Hệ thống quản lý và thiết bị truy vết COVID – Công nghệ để hiện thực hóa “Trạng thái bình thường mới”


Chiều ngày 8/10/2021 tại Hà Nội, Lãnh đạo Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế đã tổ chức nghe thuyết trình và giới thiệu về “Hệ thống quản lý và thiết bị truy vết Covid 19”, sản phẩm “CONTACT TRACING COVID” do Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Smarttech Việt Nam sáng chế.

bai 5 1

PGS. TS Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế chỉ đạo buổi làm việc.

Tham dự và chỉ đạo chương trình có PGS. TS Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế; TS. Phạm Xuân Viết – Phó Cục trưởng cùng các lãnh đạo đại diện cho Văn phòng, Trung tâm ứng dụng CNTT Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế. Đại điện Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Smarttech Việt Nam tham dự có ông Nguyễn Lương Phương – Chủ tịch HĐQT; ông Vũ Đức Quân – PCT HĐQT – Tổng Giám đốc; ông Đỗ Ngọc Chung – Viện trưởng viện nghiên cứu Smarttech cùng các cán bộ kỹ thuật của Công ty.

Tại chương trình này, Công ty CPĐT Công nghệ Smarttech Việt Nam đã thuyết trình và giới thiệu “Hệ thống quản lý và thiết bị truy vết Covid 19” trước các lãnh đạo Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế. Đây được coi là giải pháp “cách mạng”, giúp việc truy vết đơn giản, hiệu quả và giúp Chính phủ, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng, giảm sức lao động, phương tiện, giảm nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc gần với nhiều người của các lực lượng trực chốt sớm đưa cuộc sống về “trạng thái bình thường mới”.

Công nghệ được đưa ra là một thiết bị nằm gọn trong lòng bàn tay có tên “Contact Tracing Covid”, mỗi thiết bị được gán mã QR Code riêng và lưu thông tin người sử dụng dưới dạng mã hóa. Thiết bị này khi tiếp xúc với các thiết bị khác sẽ lưu ID tiếp xúc giúp việc truy vết khi phát hiện F0 cực kỳ nhanh chóng và đơn giản. Thiết bị có tính bảo mật cao khi ứng dụng công nghệ Bluetooth 5.x năng lượng thấp, không kết nối online, không định vị GPS, thông tin lưu trữ trong 25 ngày và chỉ được truy xuất khi có F0.

bai 5 2

Sản phẩm “Contact Tracing Covid” do Công ty CP ĐT Công nghệ Smarttech Việt Nam sáng chế.

Ngoài thiết bị này, mỗi đơn vị có thể lắp đặt 1 trạm kiểm soát, toàn bộ dữ liệu ra vào của người mang theo “Contact Tracing Covid” sẽ được ghi nhận qua các trạm kiểm soát Gateway. Trạm kiểm soát Gateway tự động này được gắn ở các trạm kiểm soát giao thông, trạm thu phí cầu đường, nhà ga, nhà máy, khu công nghiệp, siêu thị, trường họp, công sở, bệnh viện, trường học, nơi hội họp… để tự động phát hiện các ID có tiếp xúc gần với ca nhiễm để nhanh chóng cách ly.

bai 5 3Ông Nguyễn Lương Phương – Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Công nghệ Smarttech Việt Nam chia sẻ về tính ưu việt của sản phẩm mới.

Ông Nguyễn Lương Phương – Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư Công nghệ Smarttech Việt Nam cho biết: “Ưu điểm của công nghệ này là tất cả thông tin tiếp xúc đều minh bạch. F0 và những người tiếp xúc gần đều được phân loại ngay. Nếu là doanh nghiệp có thể khoanh vùng và tiếp tục hoạt động sản xuất bình thường. Nếu là đơn vị dân cư, có thể khoanh vùng, cách ly theo địa bàn nhỏ nhất và cuộc sống không bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho người dân cũng như người lao động, các phương tiện trong quá trình đi lại không phải dừng để khai báo, quét mã và giúp các cơ quan quản lý về y tế sớm phát hiện, kịp thời xử lý và cách ly, truy vết, khoanh vùng lây nhiễm do các F0 gây ra”.

Ngoài hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19, thiết bị nhỏ gọn này còn có thể thay cả giấy đi đường, lưu dữ liệu tiêm vắc xin… và rất bảo mật vì tất cả thông tin đều được mã hóa. Ông Phương cho biết thêm, đây là giải pháp tiết kiệm hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp và nhân dân, khi chi phí cho mỗi thiết bị này chỉ có giá bằng một lần test nhanh. Cũng tránh được việc lập những chốt kiểm soát đông người – nơi rất dễ lây lan dịch bệnh.

Sau các ý kiến phản biện và đánh giá về công nghệ này, đại diện Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế nhận xét, thiết bị “Contact Tracing Covid” là một sự “đột phá”, giúp phát hiện sớm, cách ly kịp thời những ca nhiễm bệnh. Nó giúp giải quyết được vấn đề “lười” quét QR Code hiện nay của nhiều người dân. Đại diện Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế cũng khuyến nghị nên áp dụng thử nghiệm cho 1 số đơn vị trước như một đơn vị doanh nghiệp, một khu công nghiệp, một nhóm khách hàng cụ thể rồi lan tỏa. “Thiết bị nếu được sử dụng rộng rãi sẽ giảm gánh nặng cho ngành Y tế”, đại diện Bộ Y tế nói thêm.

bai 5 4

PGS. TS. Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế phát biểu và chỉ đạo các đơn vị phối hợp, tạo điều kiện để công nghệ sớm được áp dụng thử nghiệm.

PGS. TS. Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế nhận xét: “Giải pháp này ưu việt vì lấy dân làm trung tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Hệ thống quản lý được Công ty Smarttech xây dựng sẽ giúp các cơ quan quản lý ngành y tế giảm thiểu các công việc phức tạp đến mức thấp nhất, bởi sự tiện dụng và dễ sử dụng tại các điểm thiết lập hệ thống quản lý liên quan đến truy vết covid”

Ông Tường cũng đánh giá thêm, lợi thế của giải pháp này là đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của người dân, không bị ảnh hưởng bởi GPS, không phụ thuộc vào internet… Cần thiết, sớm đưa giải pháp vào thực tiễn càng sớm càng tốt. “Đề nghị công ty triển khai việc thí điểm ngay tại Cục Công nghệ thông tin và phối hợp với Trung tâm dữ liệu Y tế của Cục hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, báo cáo kết quả trình Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng để sớm đưa công nghệ mới vào thí điểm tại các Khu công nghiệp, Bệnh viện, công sở, trường học trước khi triển khai rộng rãi toàn dân”./.

 Hạnh Nguyễn – Doanhnghiephoinhap.vn