Tập đoàn điện tử hàng đầu Ấn Độ tìm cơ hội hợp tác tại thị trường Việt Nam


Sáng ngày 6/5, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài – Invest Global tổ chức Tọa đàm Đầu tư Công nghiệp điện tử tại Việt Nam.

 

Tham dự buổi tọa đàm có ông Đào Quang Bính, Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh Tế Việt Nam – VnEconomy; ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Các Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài và đại diện các doanh nghiệp điện tử của Ấn Độ, Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Đào Quang Bính - Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Kinh Tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có nhiều lợi thế cả về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, thị trường với gần 100 triệu dân, nguồn tài nguyên cho sản xuất điện tử, các chính sách ưu đãi… Vì vậy, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp điện tử lớn trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp của Ấn Độ.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng trưởng bình quân 23,8%, nhờ đó đã đưa Việt Nam từ trí vị 47 năm 2001 lên vị trí 12 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với kim ngạch 44,6 tỷ USD trong năm 2020.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử của Việt Nam đạt 50,82 tỷ USD, tăng 14,03% so với năm 2020 và chiếm trên 15,11% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển khi nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động cùng các tiềm năng to lớn như thị trường tiêu thụ lớn với dân số gần 100 triệu người, sở hữu nguồn lao động dồi dào và nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử.

Việt Nam cũng đang nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới, trong chuỗi cung ứng toàn cầu.  Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang quy tụ hàng loạt tập đoàn lớn hàng thế giới về điện tử, công nghệ như: Samsung, Intel, LG, Foxconn…

Về thị trường điện tử Ấn Độ, theo số liệu từ Công ty nghiên cứu kinh doanh Business, quốc gia này đang đặt mục tiêu lớn về sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới với 40% giá trị gia tăng sẽ đạt được trong 10 năm tới.

Tỷ trọng giá trị hiện tại của Ấn Độ trong điện tử tiêu dùng toàn cầu là 3,5%. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế Ấn Độ, đóng góp của ngành điện tử máy tính tại Ấn Độ đối với ngành điện tử máy tính toàn cầu về mặt giá trị có khả năng tăng gấp đôi lên 7% vào năm 2026. 

Ông Vivek Khanna Chủ tịch Tập đoàn INDIC IMS ELECTRONICS – một Tập đoàn điện tử có quy mô lớn của Ấn Độ khẳng định, Ấn Độ đang tận dụng những sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc để bứt tốc.

Ông Khanna cũng đưa ra nhận định, Việt Nam đang nắm giữ những lợi thế rất lớn để công nghiệp điện tử có thể phát triển. Việc doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam bắt tay hợp tác sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn bởi cả hai quốc gia sở hữu nguồn lực có chuyên môn, tay nghề cao. 

Ngay sau buổi tọa đàm, đại diện Tập đoàn INDIC IMS ELECTRONICS và đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Smarttech Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ đầu tiên, các doanh nghiệp tin tưởng, đây sẽ là bước chạy đà thuận lợi để tiến tới mở rộng hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai gần.

(Nguồn: vneconomy.vn)